Bắc Ninh: Làm gì để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Theo Bộ Xây dựng, khối lượng công việc cần làm liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng phát triển đô thị là rất lớn khi xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Thách thức lớn về hạ tầng đô thị
Theo quy định về tiêu chuẩn TP trực thuộc Trung ương tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, để tỉnh Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương thì tỉnh Bắc Ninh phải được phân loại đạt tiêu chí đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I.
Trong khi, thực trạng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bắc Ninh hiện có tổng số 8 đô thị trong đó có 1 đô thị loại I (TP Bắc Ninh), 1 đô thị loại IV (thị xã Từ Sơn), 6 đô thị loại V. Năm 2017, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 28% trong khi mức bình quân của cả nước là 37,5%.
Bên cạnh đó, theo phương án đề xuất tại đề án, dự kiến TP Bắc Ninh trực thuộc Trung ương sẽ có 5 quận, 3 huyện. Khu vực nội thị gồm 5 quận dự kiến: TP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong và huyện Quế Võ. TP Bắc Ninh hiện đã được công nhận đô thị loại I; Thị xã Từ Sơn theo kế hoạch trở thành đô thị loại III vào cuối năm 2018; Các huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ có 1 thị trấn huyện lỵ là đô thị loại V.
Như vậy, trong thời gian 4 năm từ năm 2018 – 2022, tỉnh Bắc Ninh cần phấn đấu xây dựng 1 đô thị loại III (Từ Sơn) và 3 huyện với thị trấn hạt nhân loại V đạt tiêu chí đô thị loại I. Trong khi cơ sở hạ tầng đô thị của các đô thị trong tỉnh còn yếu, dụ như mật độ đường giao thông thấp, mới đạt 8,3km/km2 tại TP Bắc Ninh (trong khi tiêu chuẩn quy định đối với đô thị loại I là > 10km/km2). Đối với các khu vực dự kiến trở thành nội thị còn lại, tiêu chuẩn này còn thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, diện tích sàn nhà ở bình quân tại TP Bắc Ninh đạt 23m2/người (trong khi tiêu chuẩn quy định đối với đô thị loại I là 26,5m2/người). Diện tích đất xây dựng dành cho các công trình dịch vụ công cộng, tỷ lệ đất cây xanh của các đô thị trong tỉnh nhìn chung còn thấp so với tiêu chuẩn…
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Theo Bộ Xây dựng, các điểm yếu về cơ sở hạ tầng đô thị như trên là một thách thức, khó khăn lớn đối với công tác phát triển đô thị của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới. Vì vậy, để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022, khối lượng công việc cần làm liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng phát triển đô thị là rất lớn.
Để giải quyết được các vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện một số nội dung cụ thể như: Để đạt được các mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực, có chương trình phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền.
Do khu vực nội thị (đô thị lõi) như đề án đề xuất được mở rộng thêm ra toàn bộ huyện Quế Võ và huyện Yên Phong so với khu vực nội thị được định hướng trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh (được phê duyệt tại Quyết định số 60/2013/QĐ-UBND ngày 08/02/2013) và quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh (được phê duyệt tại Quyết định 1560/QĐ-TTg ngày 10/9/2015), nên UBND tỉnh Bắc Ninh cần khẩn trương tổ chức nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh.
Báo xây dựng